Trong thời đại công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay, tưởng như những lằn ranh không gian, thời gian và sự khác biệt sẽ được xóa bỏ và con người trở nên gần nhau hơn. Cứ ngỡ công nghệ sẽ là nô lệ, là công cụ phục vụ cuộc sống, làm cho sinh hoạt đời thường trở nên dễ dàng. Nhưng đến một ngày con người chợt bừng tỉnh và nhận ra mình quá cô đơn khi nhận thấy một nỗi sợ hãi bản năng nhất của loài người, một sự xa lạ, lạc lõng, đứt kết nối với xã hội hay thậm chí giữa những người gọi là bạn bè, người thân.
Như hai bộ phim trước đó của đạo diễn Spike Jonze là Being John Malkovic và Where the Wild Things Are, chủ nghĩa hiện sinh cũng được khắc hoạ rõ nét trong Her. Lấy bối cảnh xã hội trong tương lai không xa nhưng thay vì miêu tả một bức tranh lớn toàn cảnh thì bộ phim tập trung vào cá thể con người: luôn cô đơn, lẻ loi, bất an và có xu hướng tự hủy diệt chính mình.
Chất khoa học viễn tưởng ấy chỉ dạo đầu làm nền, làm phương tiện để Spike Jonze đi sâu vào nội tâm, bản thể của nhân vật chính Theodore (Joaquin Phoenix thủ vai) – một nhà văn cô đơn, sống hướng nội, làm nghề viết thư tình cho những người gặp khó khăn trong việc biểu lộ cảm xúc bản thân. Trầm cảm và chán nản sau khi ly dị với người vợ Catherine (Rooney Mara thủ vai) – tình yêu từ thuở ấu thơ, Theodore đã mua một hệ điều hành máy tính có trí thông minh nhân tạo và khả năng học hỏi, giao tiếp như con người bình thường.
Như nguyện vọng của Theodore, hệ điều hành này tự nhận mình là nữ và lấy tên Samantha (Scarlett Johansson lồng tiếng). Hai người nhanh chóng trở nên thân thiết đến nỗi Theodore mang Samantha bên mình mọi lúc mọi nơi, giao tiếp với nhau bằng tai nghe không dây gắn trong tai và một chiếc điện thoại thông minh. Từ tình bạn trở thành tình yêu, thậm chí cả tình dục.
Khán giả có thể cười nhạo sự khờ khạo thảm hại của Theodore mà quên mất là chỉ đang cười chính mình. Cảm giác phụ thuộc và say mê những chiếc điện thoại đời mới, máy tính bảng đến mức thiếu vắng nó một chút thôi là bứt rứt hay ở bên nó còn nhiều hơn bên cạnh những người thân yêu là tình trạng của rất nhiều người. Kiểu mối quan hệ như trong phim sẽ xảy ra, chỉ là sớm hay muộn cho đến khi con người nhận ra sự sung sướng, hạnh phúc ảo tưởng hóa ra lại vô hồn, lạc lõng đến thế.
Ở một mức độ thấp hơn thì hình thức hẹn hò qua mạng (Facebook hay các trang mạng xã hội khác) đang là một bước đệm trung gian khi guồng quay cuộc sống ngày càng bận rộn, hối hả và con người không thể sắp xếp thời gian để tìm hiểu nhau một cách truyền thống. Họ tán gẫu với con người ảo của nhau, thấy thích tính cách trên mạng của nhau, trở thành bạn, bạn chuyển sang yêu/ đồng cảm, gặp nhau rồi ngủ với nhau. Một vòng quay mà luôn chỉ có một điểm kết thúc duy nhất: ảo đến mấy cũng chỉ là bước khởi đầu cho giai đoạn tiếp theo ở ngoài đời thật.
Họ có thể hạnh phúc với nhau mà cũng có thể gặp vài lần rồi chia tay vì đối phương không như tưởng tượng. Bất kỳ tình yêu nào cũng đều chưa thể gọi là tình yêu thật sự nếu chưa có kết nối trong thế giới thực. Hai nhân vật Theodore và Samantha cũng không phải ngoại lệ. Theodore phải đối mặt với cuộc sống thật – nỗi cô đơn lớn nhất của anh. Anh không thể chối bỏ thế giới hiện thực chỉ vì cho rằng nó không có chỗ cho mình. Là một cỗ máy nhưng Samantha cũng có cái yêu cầu vô cùng chính đáng và rất “người”, rất “phụ nữ” ấy.
Samantha ghen vì Catherine có một cơ thể phụ nữ còn cô ấy thì không nên đã gợi ý Theodore cùng thuê Isabelle – một búp bê tình dục (Portia Doubleday thủ vai), người đảm nhiệm vai trò thể xác của Samantha để hai người có thể âu yếm xác thịt. Điều mỉa mai và đáng buồn nhất là trải nghiệm này đã trở nên quá choáng ngợp với Theodore và gây nên mâu thuẫn, rạn nứt giữa anh và Samantha.
Trước đó Theodore cũng từng hẹn hò giấu mặt với một phụ nữ không tên (Olivia Wilde thủ vai) và mọi chuyện diễn ra khá suôn sẻ. Nhưng khi được cô gái kia hỏi xem có sẵn sàng cho một mối quan hệ nghiêm túc lâu dài thì Theodore lại bỏ chạy vì tình cảm với Samantha lúc đó đang lớn dần. Anh sợ mối quan hệ tình cảm người / người sẽ làm mình tổn thương, đau khổ lần nữa nên anh vẫn chọn Samantha. Nhưng éo le là khi mối quan hệ đi lên một tầm cao mới và hai người gặp nhau dưới hình dạng “con người” thì Theodore vẫn tự mình làm hỏng mọi chuyện.
Ảnh hưởng tiêu cực của khoa học công nghệ lên đời sống con người là một chủ đề không lạ trong phim của Jonze hay nhiều đạo diễn khác nhưng Her mang đến một cách tiếp cận riêng và độc đáo hơn hẳn. Mối quan hệ tình ái giữa người (Theodore) và máy móc / trí thông minh nhân tạo (Samantha) không những phổ biến mà còn được coi là bình thường trong bối cảnh phim. Spike Jonze còn dẫn dắt khán giả đến với một câu chuyện tình yêu rất thật với đủ mọi thăng trầm và hỷ, nộ, ái, ố.
Hai nhân vật giao tiếp thông qua tai nghe không dây và điện thoại thông minh nhưng chỉ sau những giây phút đầu bỡ ngỡ, ngại ngùng họ đã hoàn toàn thuyết phục và làm khán giả quên mất rằng Samantha không có thật và biến cô trở thành một người bạn đồng hành bằng xương bằng thịt không được lên máy quay của Theodore. Thật khó có thể chứng kiến mối quan hệ đặc biệt như vậy mà không tự hỏi: “một trí thông minh nhân tạo có khả năng đọc hàng chục cuốn sách trong một cái nháy mắt thì một đêm ngắm nhìn người mình yêu say ngủ dài đến nhường nào?”
Ngoài việc thiếu vắng sự hiện diện về mặt thể xác thì Samantha có vẻ như là hình mẫu phụ nữ lý tưởng của mọi người đàn ông: ân cần, dịu dàng, chu đáo, quan tâm, thông minh, hấp dẫn, biết lắng nghe và không bao giờ đỏi hỏi gì ngược lại. Theodore biết nó không thật và chấp nhận lờ đi sự không thật ấy nhưng anh biết rồi giấc mơ nào cũng sẽ đến lúc kết thúc và tan vỡ như bong bóng xà phòng. Họ chỉ là một con người, một máy móc đều đang chật vật trên con đường khám phá ý nghĩa và mục đích sống thật sự của chính mình.
Người đầu tiên được đạo diễn Spike Jonze giao vai Samantha là Samantha Morton nhưng đến khi biên tập những cảnh quay đầu tiên thì anh lại không cảm thấy được cái chất Samantha mình đã mường tượng nên quyết định thay bằng Scarlett Johannson.
Chỉ bằng chất giọng đặc trưng của mình, kiều nữ bốc lửa đã thuyết phục khán giả, đưa đến cảm nhận về một người phụ nữ thông minh, hấp dẫn tồn tại sau lớp vật chất vô hình. Dụng ý của Spike Jonze khi tạo ra nhân vật này là “Ấm áp vừa đủ, tính người vừa đủ mà vẫn xa cách và kỳ lạ vừa đủ”. Scarlett Johansson đã chứng minh rằng cô không cần đến cơ thể nóng bỏng mà vẫn đặc tả được một vai diễn phức tạp trọn vẹn.
Nam diễn viên Joaquin Phoenix đã quá xuất sắc trong việc chuyển tải con người nhân vật Theodore bằng một thứ ngôn ngữ cơ thể nhạy cảm đến kỳ lạ: sự dịu dàng khi viết thư tay cho “những người mình yêu”, sự quan tâm tới Samantha, ánh mắt vô hồn về nơi xa xăm hay giữa hay trạng thái tâm lý đối lập nhau trước và sau khi gặp gỡ Samantha… Anh xứng đáng là một trong những diễn viên theo trường phái Method Acting (diễn xuất theo hệ Stanislavski của Nga, đề cao tính chân thật và hóa thân trong diễn xuất đến mức khán giả nghĩ họ đang đóng vai chính mình) xuất sắc ở thời điểm hiện tại.
Bộ phim tràn ngập mối quan hệ rời rạc và đứt gãy: Theodore ly dị vợ, hẹn hò giấu mặt bất thành, ngay cả cô bạn hàng xóm Amy cũng ly dị chồng và bắt đầu một mối quan hệ mới với hệ điều hành của chồng cũ… Nhưng không như những bộ phim kiểu này trước đó, Her không công kích trực tiếp mặt trái của khoa học công nghệ mà khẳng định rằng nhờ Samantha, Theodore đã thay đổi, chí ít là phần nào vượt qua được quá khứ và hướng tới tương lai tươi sáng hơn.
Đó chính là điều khiến Her trở nên tuyệt vời, thay vì nhồi nhét những giáo điều nhàm chán thì bộ phim làm mỗi người xem đều thấy bóng dáng của mình trong đó. Her đưa đến thông điệp hãy biết mở lòng hơn nữa với tình yêu vì không gì có thể thay thế được những động chạm da thịt thực sự, cảm nhận được hơi ấm và nhịp tim đập sâu lắng và rõ ràng. Dù phía trước mỗi con người có mờ mịt và vô định thì họ chỉ cần biết vẫn còn có một vòng tay để giữ chặt, truyền cho họ nghị lực và sự mạnh mẽ để vươn lên tìm được đúng hướng phải đi